Các chứng chỉ tiếng Trung trẻ em có thể tham gia
Mục lục bài viết
Có thể nói trong thời đại được tiếp xúc với công nghệ từ sớm như ngày nay, trẻ em được phát triển tốt hơn rất nhiều so với thế hệ trước. Đó vừa là cơ hội, vừa là thử thách “khó nhằn” cho trẻ. Bởi vì, một số gia đình có tư duy đầu tư cho con rất sớm. Khi trẻ trưởng thành trẻ sẽ có được những kỹ năng cần thiết và thậm chí là thành thạo trong một lĩnh vực nào đó. Vậy nên, nếu con em chúng ta có những ưu điểm, thế mạnh riêng của mình sẽ giúp cho trẻ tự tin, bản lĩnh hơn trong thế giới cạnh tranh công việc đầy khốc liệt ở tương lai. Mỗi kỹ năng, lĩnh vực đều có riêng thước đo để đánh giá khả năng của người dự thi, tiếng Trung cũng không ngoại lệ. Sau đây là một số chứng chỉ tiếng Trung phổ biến mà phụ huynh có thể định hướng cho con trẻ tham gia.
Chứng chỉ tiếng Trung HSK
Chứng chỉ HSK là một chứng chỉ đánh giá khả năng sử dụng Hán ngữ của người ngoại quốc với mục đích đến Trung Quốc sinh sống hoặc cần sử dụng làm căn cứ xét tuyển vào các trường Đại học, các công ty doanh nghiệp cần nhân lực thành thạo tiếng Trung Quốc. HSK là tên viết tắt của Hanyu Shuiping Kaoshi (汉语水平考试) được HANBAN - tổ chức phi chính phủ liên kết với Bộ giáo dục nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đồng tổ chức.
Chứng chỉ HSK phổ biến trong các kì thi tiếng Trung
Về các cấp độ chứng chỉ, hiện nay HSK tại Việt Nam được chia ra làm 3 cấp: Sơ cấp (HSK 1 & HSK 2), Trung cấp (HSK 3 - HSK 4), Cao cấp (HSK 5 - HSK 6).
Về cấu trúc của đề thi, những kỹ năng được đánh giá thông qua bài thi bao gồm: Nghe, Đọc, Viết với thời gian và số lượng câu thay đổi theo cấp bậc như sau:
- HSK 1: 40 câu thi trong 35 phút với cấu trúc đề Nghe 20 câu (15 phút), Đọc 20 câu (17 phút), sau phần Nghe thí sinh có 3 phút ghi đáp án.
- HSK 2: 60 câu thi trong 50 phút với cấu trúc đề Nghe 35 câu (25 phút), Đọc 25 câu (22 phút), 3 phút ghi đáp án sau phần Nghe.
- HSK 3: 80 câu thi trong 85 phút với cấu trúc đề Nghe 40 câu (35 phút), Đọc 30 câu (30 phút), Viết 10 câu (15 phút), 5 phút điền đáp án sau phần thi Nghe.
- HSK 4: 100 câu thi trong 100 phút với cấu trúc đề thi Nghe 45 câu (30 phút), Đọc 40 câu (40 phút), Viết 15 câu (25 phút), 5 phút điền đáp án phần Nghe.
- HSK 5: 100 câu thi trong 120 phút với cấu trúc đề thi Nghe 45 câu (30 phút), Đọc 45 câu (45 phút), Viết 10 câu (40 phút), 5 phút điền đáp án phần Nghe.
- HSK 6: 101 câu thi trong 135 phút với cấu trúc đề thi Nghe 50 câu (35 phút), Đọc 50 câu (50 phút), Viết 1 câu (45 phút), 5 phút điền đáp án phần Nghe.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý theo dõi những thay đổi trong cơ cấu tổ chức thi tiếng Trung HSK để tránh bỏ lỡ những thông tin quan trọng. Gần đây nhất là thông tin công ty TNHH Khoa học Công nghệ Giáo dục và thi Năng lực Hán ngữ Quốc tế (CTI) sẽ hợp nhất hai kỳ thi HSK và HSKK, tổ chức thi đồng thời cả hai chứng chỉ.
Chứng chỉ tiếng Trung HSKK
Như nhắc đến phía trên, cả hai kỳ thi HSK và HSKK sẽ được hợp nhất trong một lần thi. Chúng ta đã tìm hiểu qua kỳ thi HSK, tiếp theo đây, ta cùng đi đến phần thông tin của kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Trung HSKK. HSKK là tên viết tắt của Hanyu Shuiping Kouyu Kaoshi (汉语水平口语考试). Cũng như HSK, chứng chỉ HSKK là một chứng chỉ đánh giá khả năng sử dụng Hán ngữ của người ngoại quốc. Tuy nhiên, HSKK khác với HSK ở chỗ chứng chỉ HSKK chỉ đánh giá trình độ khẩu ngữ của thí sinh thi tiếng Trung.
HSKK chính là chứng chỉ HSK khẩu ngữ
Về các cấp độ chứng chỉ, hiện nay HSKK được chia ra làm 3 cấp: Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp. Trong đó, các cấp tương ứng với trình độ người thi như sau:
- HSKK sơ cấp đánh giá người thi có trình độ nghe hiểu tiếng Hán, có thể sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc trong giao tiếp hằng ngày một cách thuần thục
- HSKK trung cấp đánh giá người thi có trình độ nghe hiểu tiếng Hán trôi chảy như ngôn ngữ mẹ đẻ
- HSKK cao cấp đánh giá người thi có trình độ sử dụng tiếng Hán lưu loát và có khả năng phân tích sâu nghĩa của từ vựng
Về cấu trúc đề thi, kỹ năng nghe và nói được đánh giá thông qua bài thi như sau
- HSKK sơ cấp: Nghe và nhắc lại 15 câu (4 phút), Nghe và trả lời câu hỏi 10 câu (3 phút), Trả lời câu hỏi 2 câu (3 phút)
- HSKK trung cấp: Nghe và nhắc lại 10 câu (5 phút), Nghe và trả lời câu hỏi 2 câu (4 phút), Trả lời câu hỏi 2 câu (4 phút)
- HSKK cao cấp: Nghe và trần thuật 3 câu (6 phút), Đọc diễn cảm 1 câu (2 phút), Trả lời câu hỏi 2 câu (5 phút)
Đối với chứng chỉ HSKK, người thi sẽ thi với hình thức thu âm và kết quả sẽ được trả đến thí sinh sau một tháng kể từ ngày thi.
Chứng chỉ tiếng Trung TOCFL
Năm 2001, ba đơn vị Trung tâm giảng dạy Quốc ngữ, Viện ngôn ngữ giảng dạy tiếng Hoa và Trung tâm trắc nghiệm giáo dục tâm lý thuộc Đại học Sư Phạm Đài Loan đã cùng nghiên cứu phát triển kỳ thi Năng lực Hoa ngữ TOCFL - Test of Chinese as a Foreign Language. Đến năm 2003, kỳ thi chính thức nhận đơn đăng ký tham gia của các thí sinh có nhu cầu thi tiếng Trung đến từ hơn 60 quốc gia trên thế giới. Đến năm 2013, Ủy ban Kỳ thi Năng lực Hoa ngữ chính thức cho ra phiên bản mới và đưa vào sử dụng.
Về các cấp độ chứng chỉ, hiện nay TOCFL được chia ra làm 3 bảng và 6 cấp, bao gồm:
- Bảng A gồm Cấp 1 (Nhập môn), Cấp 2 (Căn bản)
- Bảng B gồm Cấp 3 (Tiến cấp), Cấp 4 (Cao cấp)
- Bảng C gồm Cấp 5 (Lưu loát), Cấp 6 (Tinh thông)
Về cấu trúc đề thi, mỗi Bảng bao gồm 100 câu trắc nghiệm thi trong vòng 120 phút kiểm tra các kỹ năng Nghe và Đọc hiểu. Trong đó, các phần thi được chia như sau
TOCFL Nghe
- Bảng A: Nhìn tranh chọn đáp án 25 câu, Đối thoại 25 câu
- Bảng B: Đối thoại 30 câu, Đoạn văn 20 câu
- Bảng C: Đối thoại 25 câu, Đoạn văn 25 câu
TOCFL Đọc hiểu
- Bảng A: Câu đơn 20 câu, Nhìn tranh giải thích 15 câu, Hoàn thành đoạn văn 5 câu, Điền vào chỗ trống 10 câu
- Bảng B: Điền vào chỗ trống 15 câu, Đọc hiểu 35 câu
- Bảng C: Điền vào chỗ trống 15 câu, Đọc hiểu 35 câu
Đối với chứng chỉ tiếng Trung TOCFL, thời gian có hiệu lực là hai năm kể từ ngày cấp.
TOCFL cũng là một lựa chọn phù hợp cho trẻ học tiếng Trung tham gia thi
Chứng chỉ tiếng Trung YCT
So với các chứng chỉ như HSK và TOCFL, YCT ở Việt Nam không phổ biến. Tuy nhiên, đây là chứng chỉ phù hợp nhất cho trẻ học tiếng Trung, bởi vì đây là kỳ thi có cấu trúc đề thi được nghiên cứu dành riêng cho trẻ. Những kỳ thi HSK hay TOCFL không chỉ có đối tượng tham gia là trẻ em mà còn gồm những đối tượng thi tiếng Trung với mục đích định cư, tìm cơ hội công việc… Vì vậy mặc dù không phổ biến ở Việt Nam, phụ huynh vẫn có thể tham khảo thêm để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với trình độ của bé nhà mình.
YCT là chứng chỉ đánh giá trình độ sử dụng tiếng Trung của trẻ trong độ tuổi từ 6 cho đến 14 tuổi. YCT viết tắt cho cụm từ Youth Chinese Test. Trong kỳ thi YCT, trẻ sẽ phải tham gia hai phần thi riêng biệt: Viết và Khẩu ngữ (Nói).
YCT là chứng chỉ tiếng Trung dành riêng cho trẻ em
Về các cấp độ chứng chỉ, hiện nay YCT được chia thành nhiều cấp độ khác nhau như sau
- YCT Viết gồm 4 cấp: YCT cấp 1, YCT cấp 2, YCT cấp 3, YCT cấp 4
- YCT Khẩu ngữ gồm 2 cấp: Sơ cấp và Trung cấp
Có một thông tin mà phụ huynh cần lưu ý, đối với YCT, khi quy đổi ra kết quả với HSK, chứng chỉ YCT cấp 4 sẽ tương đương với HSK 3. Vì vậy, sau khi đạt được chứng chỉ YCT, trẻ nào có nhu cầu nâng cao sẽ tiếp tục đăng ký dự thi chứng chỉ HSK.
Phuong Nam Education đã vừa điểm qua 4 chứng chỉ tiếng Trung phổ biến nhất mà trẻ có thể đăng ký tham gia. Hi vọng với các thông tin hữu ích trên sẽ hỗ trợ phụ huynh định hướng cho trẻ lộ trình học tập, giúp trẻ đạt được kết quả cao trong quá trình thi lấy chứng chỉ. Vẫn còn rất nhiều thông tin còn đang trong giai đoạn cập nhật, xin mời quý phụ huynh theo dõi website của Phuong Nam Education để có thể xem những bài viết mới một cách nhanh nhất nhé!
Tags: chứng chỉ tiếng Trung, HSK, thi tiếng Trung, trẻ học tiếng Trung, chứng chỉ tiếng Trung quốc gia, YCT, phí thi chứng chỉ tiếng Trung, nơi thi chứng chỉ tiếng Trung